Tại sao Mèo là con giáp ở Việt Nam nhưng lại là thỏ ở Trung, Hàn, Nhật
Năm 2023 là năm Quý Mão. Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản đều gọi đây là năm Thỏ, nhưng Mèo là con giáp ở Việt Nam. Tuy cùng nằm trong vùng văn hóa chữ Hán, song giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam lại có sự khác nhau. Tại sao? Câu hỏi này có lẽ không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều học giả Hàn Quốc từng du học tại Việt Nam.
Thỏ trong 12 con giáp ở Trung Quốc
Trong Thập nhi chi của Trung Quốc, con thỏ là chi thứ tư (gồm Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Con mèo tuy không phải loài vật nằm trong Thập nhị chi nhưng lại được ghi âm chữ Hán giống với con thỏ (máo – âm Hán-Việt là “miêu”). Trong tiếng Trung Quốc, hai từ này khác nhau về dấu song về âm thì thỏ (măo) và mèo (máo) đều là mao. Điều thú vị nữa là trong Việt Nam tự điển, thì chữ Mão – nghĩa là con thỏ – lại được dùng để chỉ con mèo.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, trước hết, Việt Nam không có điều kiện môi trường để loài thỏ phát triển sinh sôi. Vì Việt Nam là văn hoá thảo mộc chứ không phải văn hoá thảo nguyên. Hai khái niệm thảo nguyên và thảo mộc là hoàn toàn khác nhau. Nếu thảo nguyên là môi trường có những đồng cỏ mềm mượt, mà các loài động vật có thể thoả sức ăn thành từng bầy đàn, thì thảo mộc lại là môi trường phong phú đa dạng các thảm thực vật đan xen lẫn nhau. Lý do Việt Nam nhiều thảo mộc như vậy là bởi khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.
Mèo là 1 trong 12 con giáp ở Việt Nam
Mặc dù đã tiếp thu Thập nhị chi (12 con giáp) của Trung Quốc, song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên này nên người Việt đã không tiếp thu y nguyên mô hình ở Trung Quốc mà biến cải cho phù hợp với môi trường sống của mình.
Trong quá trình giao lưu văn hoá với Trung Quốc, ở Việt Nam hình ảnh con mèo thân thuộc đã thay thế cho con thỏ bởi điều kiện tiếp thu có biến động từ ngôn ngữ đến hình ảnh trong Thập nhị chi – 12 con giáp. Ở đây, chúng ta cũng cần xem xét vấn đề qua việc lựa chọn âm tiếng Hán con mèo do có cùng âm tiếng Hán với con thỏ. Tôi cảm thấy cách nhìn nhận này là vẹn cả đôi đường. Vì, trên lập trường của Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng văn hoá, dù Việt Nam có chọn tên năm Mèo thì vẫn không đánh mất chữ Máo – chỉ con thỏ. Ngược lại, trên lập trường một nước tiếp biến văn hoá bên ngoài như Việt Nam, dù có lựa chọn con mèo – con vật quen thuộc với người Việt – thì vẫn nằm trong mạch ảnh hưởng văn hoá của Trung Quốc. Việc thay đổi tinh tế chữ Máo – chỉ con thỏ – sang con mèo đã cho thấy tài trí của người Việt Nam trong tiếp biến văn hoá!
PTS Sim Sang – Joon (Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Việt – Hàn)